Giá cà phê tăng kỷ lục

Giá cà phê leo thang nhiều tháng qua, hiện loại nhân xô tăng hơn 70% so với đầu năm và tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mới đây, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) công bố thông tin “EL Nino đã xuất hiện” khiến nhiều vùng cà phê trên thế giới lo ngại tình trạng mất mùa có thể xảy ra trong năm nay. Điều này khiến giá cà phê từ các sàn giao dịch ở London và New York liên tục tăng. Tại Việt Nam, giá mặt hàng này cũng leo thang nhiều tháng qua.

Ghi nhận ở các tỉnh Tây Nguyên, tuần qua giá cà phê tăng 3.000-5.000 đồng một kg so với tuần trước đó. Hiện, giá cà phê nhân trong nước đã vượt mốc 67.000 đồng một kg, mức cao nhất từ trước đến nay. Tại Đăk Nông, giá cà phê lên 67.200 đồng một kg, còn Lâm Đồng, Kon Tum giá quanh 64.000-65.000 đồng.

Dữ liệu từ Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (VICOFA) cho thấy giá cà phê nhân xô tháng 6 tăng hơn 70% so với tháng 1 và tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta giao tháng 7 trên sàn New York đã chạm ngưỡng kỷ lục 2.728 USD (tương đương hơn 64 triệu đồng) một tấn hôm 10/6, tăng 46% so với đầu năm nay và là mức cao nhất từ trước đến nay. 3 ngày nay, giá cà phê thế giới có quay đầu giảm nhưng không đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Liêm – một doanh nghiệp địa phương chuyên thu mua cà phê ở Lâm Đồng – cho biết thời điểm này, cà phê các tỉnh Tây Nguyên chưa vào vụ nên số lượng bán ra thị trường khan hiếm, chỉ số ít còn trữ từ năm ngoái nhưng không đáng kể.

“Vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2022-2023 sẽ diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12 nhưng theo thăm dò tại các hộ trồng, sản lượng năm nay sụt giảm mạnh 20-50% (tùy hộ)”, ông Liêm nói.

Sở hữu một ha cà phê tại Kon Tum, bà Hải cho biết năm nay sản lượng tại vườn bà có thể giảm 20% so với cùng kỳ do nắng nóng kéo dài khiến tỷ lệ ra hoa và đậu quả kém.

“Năm ngoái, một ha cà phê của tôi cho sản lượng 23 tấn tươi (khoảng 5,5 tấn nhân), nay chỉ khoảng 18 tấn tươi trong khi chi phí tăng cao nên lợi nhuận không đáng kể”, bà Hải cho hay.

Theo VICOFA, sản lượng niên vụ 2022-2023 dự kiến giảm khoảng 10-15% so với niên vụ trước, xuống khoảng 1,47 triệu tấn.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ diện tích trồng cà phê có xu hướng giảm do người dân chuyển sang các cây khác có hiệu quả hơn như sầu riêng, bơ, hoặc trồng xen canh trong vườn. Ngoài ra, ảnh hưởng của thời tiết khiến sản lượng cà phê lao dốc.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho thấy, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 882.000 tấn và hơn 2 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 0,2% về giá trị so với cùng kỳ 2022.

Trên thị trường quốc tế, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo xuất khẩu cà phê thế giới sẽ giảm 3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, xuống còn hơn 116 triệu bao (bao 60 kg). Trong khi đó, tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) giữ nguyên dự báo ở mức trên 167 triệu bao, chỉ giảm 2,1% so với vụ trước.

Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê cho biết đang chật vật trước sức ép tăng giá đầu vào. Nói với VnExpress, ông Nguyễn Đức Hưng, nhà sáng lập Napoli Coffee cho hay sức mua sản phẩm cà phê rang xay cũng như pha sẵn đang giảm do ảnh hưởng của kinh tế suy thoái. Doanh nghiệp ông phải cắt giảm mọi chi phí để cân đối giá thành sản phẩm bán ra thị trường. Tuy nhiên, với mức giá nguyên liệu đầu vào tăng cao như hiện nay, doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức.

“Chúng tôi đang đau đầu không biết làm sao để đầu vào bớt tăng và đầu ra ít biến động. Nhưng với tình hình này, giá sản phẩm khó có thể kìm đà tăng”, ông Hưng nói.

Đồng quan điểm, ông Lâm Văn Hạnh, chủ cơ sở sản xuất cà phê rang xay ở Đăk Lăk cho biết đang cố gắng giữ giá sản phẩm trong tháng này. Sang tháng 7, nếu giá cà phê nhân tiếp tục lập đỉnh, ông sẽ phải bàn bạc lại với các đối tác, sau đó sẽ quyết định sản xuất đơn hàng.

Các doanh nghiệp lo ngại hiện tượng mất mùa, EL Nino có thể khiến tình trạng đầu cơ cà phê nguy cơ tái diễn. Do đó, các doanh nghiệp đề nghị Bộ ngành liên quan cần có giải pháp kịp thời cho ngành cà phê trong năm nay.

Diện tích cà phê năm ngoái của Việt Nam đạt khoảng 710.000 ha, sản lượng hơn 1,84 triệu tấn. Trong đó, 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm 91,2% về diện tích trồng cà phê cả nước.

Theo nguồn  Vnexpress – Thi Hà